Tích tụ và tập trung ruộng đất một mặt phản ánh nhu cầu khách quan hiện nay của một mô hình sản xuất hiệu quả, mặt khác có thể đặt ra nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, cũng như xã hội cần được nhận thức và giải quyết. Bài viết này trình bày một số nhận định từ thực tế Tây Nam Bộ.

Tây Nam Bộ là vùng sản xuất lúa, trái cây và nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tiềm năng nông nghiệp của vùng vẫn còn những “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển, mà một trong số đó là vấn đề tập trung tích tụ, ruộng đất.

Hiệu quả của việc tập trung, tích tụ ruộng đất ở Tây Nam Bộ đã được thực tế chứng minh, nhưng mặt trái của việc tích tụ ruộng đất cũng gây ra nhiều lo ngại. Làm thế nào để tích tụ ruộng đất vừa đáp ứng được mục tiêu “người cày có ruộng”, vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp là vấn đề cần nhiều giải pháp thấu đáo.

Một số nội dụng về tích tụ, tập trung ruộng đất từ thực tế Tây Nam Bộ

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, nông nghiệp, nông thôn giữ vị trí quan trọng. Hiện nay, trong bối cảnh nền nông nghiệp đòi hỏi phải có sự liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh, tích tụ, tập trung ruộng đất được xem như một động lực mới để hướng đến ngành nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao.

Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.

Luật Đất đai năm 2013 quy định mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tích tụ, tập trung ruộng đất, thời gian qua, nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đã triển khai thực hiện hiệu quả với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo. Nhiều nông dân miền Tây hiện nay sở hữu vài chục héc-ta đất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn, sản xuất theo chuỗi giá trị, làm giàu từ nghề nông.

Ví dụ như tại An Giang, theo thống kê, toàn huyện Thoại Sơn có hơn 36.000ha, trong đó có khoảng 10% người có ruộng từ 30-40 ha đất. Riêng ở xã Tây Phú có 70% dân ở huyện khác hoặc người ngoài tỉnh đến mua hoặc thuê với số lượng lên đến hàng trăm công ruộng (1 công bằng 1.000m2). Do biết cách làm ăn, những công ruộng đó giờ đang sinh lời hàng trăm triệu đồng/ha so với trước đây chỉ vài chục triệu đồng.

Tại Đồng Tháp, giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh có 220.000ha đất trồng lúa, bình quân chỉ khoảng 0,5ha/hộ. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng quy mô sản xuất, điển hình như mô hình canh tác của hợp tác xã Huỳnh Thanh Thấm, xã Phú Cường, huyện Tam Nông.

Để thực hiện mô hình, nông dân giao đất cho hợp tác xã toàn quyền tổ chức canh tác lúa, hợp tác xã có diện tích lớn để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Nông dân không phải ra đồng mà luôn nắm chắc sản lượng lúa trong tay, có thời gian đi làm việc khác kiếm thêm thu nhập.

Tại Hậu Giang, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có kế hoạch cụ thể để tích tụ ruộng đất, đồng thời tạo sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học) rất chặt chẽ.

Tại Tiền Giang, để khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn. Trong đó, mô hình tập trung ruộng đất qua phát triển kinh tế trang trại đang mang lại hiệu quả rất cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 410 trang trại (tăng gấp 2,5 lần so năm 2011).

Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất ở Tây Nam Bộ thời gian qua đã khắc phục một phần những hạn chế do kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp gây ra, vực dậy nền nông nghiệp, tăng khả năng ứng phó với tình trạng hạn, mặn do biến đổi khí hậu, đưa nông nghiệp trong vùng đi lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng tính cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu, tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu

Tuy nhiên, tích tụ, tập trung ruộng đất ở Tây Nam Bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, việc tích tụ ruộng đất ở Tây Nam Bộ thời gian qua diễn ra chậm so với yêu cầu thực tế do những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai như chính sách hạn điền, những quy định chuyển nhượng quyền sử dụng đất, về các loại thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Thực tế, sau ba năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách, cản trở quá trình tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ “chui”, “lách luật” bằng cách nhờ người thân, bạn bè đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã diễn ra ở một số địa phương vùng Tây Nam Bộ. Đồng thời, tích tụ, tập trung ruộng đất ở Tây Nam Bộ chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân thuê đất của nông dân, doanh nghiệp thuê đất của nông dân và quá trình thực hiện còn chậm và còn nhiều bất cập.

Mô hình cánh đồng lớn mặc dù giải quyết được tình trạng nông nghiệp manh mún mà không vi phạm sở hữu đất đai nhờ giải pháp quản trị, tuy nhiên, mô hình này vẫn còn hạn chế do doanh nghiệp phải đầu tư lớn, khó quản lý liên kết nên tính đến nay, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được khoảng 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng.

Còn đối với mô hình hợp tác xã thì thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn, trang thiết bị; mô hình nông dân thuê đất của nông dân thì khó đàm phán với nhiều hộ, rủi ro đòi lại đất trước hạn, chi phí đầu tư lớn, khó rút lao động dôi dư.

Thứ hai là vấn những vướng mắc do tập quán, nhận thức, tư duy cũ của người nông dân. Nhiều nông hộ làm ăn không hiệu quả, thu nhập từ nông nghiệp thấp, nhưng để tìm kiếm một công việc khác hiệu quả hơn rất khó khăn. Mặt khác, do chính sách hỗ trợ đối với các hộ chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp chưa mạnh, gây ra tâm lý e ngại cho người dân. Họ vẫn có xu hướng giữ ruộng để bảo đảm trong mọi trường hợp.

Thứ ba, khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất từ 50%, lao động làm việc trong nông nghiệp hiện nay sẽ rút xuống chỉ còn 5-10% gây ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, mất cân bằng thu nhập xã hội, dễ dẫn đến phân hóa giàu-nghèo, những người nông dân phải đi làm thuê hoặc có thể bị thất nghiệp do không còn ruộng đất canh tác.

Đồng thời, nếu tích tụ, tập trung ruộng đất ở Tây Nam Bộ không được quản lý chặt sẽ là điều kiện để các đối tượng xấu đầu cơ trục lợi, dẫn đến tình trạng thu gom đất đai, hình thành lớp địa chủ mới hay những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nông dân, làm xáo trộn đời sống nông thôn.

Mốt số đề xuất tiếp cận

Để tích tụ, tập trung ruộng đất đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia, cần triển khai nhiều giải pháp như:

Thứ nhất, Nhà nước cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật có liên quan theo hướng cho người sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng đất ổn định lâu dài và tăng hạn mức giao đất nông nghiệp cho nông dân. Tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, phí; tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, về vay vốn gắn với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nông nghiệp, tài sản gắn liền với đất. Sử dụng hiệu quả những công cụ kinh tế, trong đó có chính sách thuế để khuyến khích tích tụ ruộng đất.

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ ruộng đất, loại bỏ tình trạng tích tụ và sử dụng ruộng đất theo hướng đầu cơ, trục lợi. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục liên quan đến đất đai, ngân hàng, tín dụng. Quy hoạch đất nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến... thành những cụm công - nông nghiệp, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp.

Thứ ba, cần có tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người nông dân, đặc biệt trong các quan hệ hợp đồng với các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu những phương thức để nông dân có thể tập trung ruộng đất với nhau như phát triển kinh tế hợp tác, bởi phương thức này vừa tận dụng được tính kinh tế theo quy mô mà nông dân cũng không phải mất quyền sử dụng đất của họ, hoặc khuyến khích các hộ chuyển nhượng cho thuê đất lẫn nhau để có mảnh đất lớn hơn, từ đó tham gia vào kinh tế hợp tác, thuận lợi trong thu hút doanh nghiệp vào hợp tác cùng làm chuỗi giá trị mà vẫn bảo đảm quyền của người nông dân với ruộng đất của họ.

Thứ tư, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, đồng thời với việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp. Liên kết với doanh nghiệp để họ đào tạo nghề và sử dụng đội ngũ được đào tạo làm lao động lâu dài và người nông dân có vị trí là một cổ đông trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Tập trung và tích tụ ruộng đất là vấn đề lớn, phức tạp, song việc giải quyết những vấn đề đặt ra đó hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” của sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.