Vào những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đều rất quan tâm đến xây dựng bộ máy nhà nước. Đó là những chủ trương đúng đắn đã tạo ra những chuyển đổi mang tính cách mạng.

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo bước ngoặt lịch sử, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam - nhà nước cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản. Trong bối cảnh đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn - thù trong, giặc ngoài, nền kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân đói nghèo, các thế lực phản động trong và ngoài nước ráo riết chống phá, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập non trẻ. Trước tình hình đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải nhanh chóng kiến tạo một bộ máy nhà nước vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng và định hình con đường phát triển mới cho dân tộc. Là người đứng đầu Nhà nước ta lúc đấy giờ, Người tuyên bố: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết”[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong tổ chức bộ máy nhà nước thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng, khi nhiều cơ quan, tổ chức còn chồng chéo chức năng, phân tán nhiệm vụ, biên chế tăng một cách tự phát. Có nơi người làm không hết việc, có nơi lại “ngồi chờ việc”, thiếu cán bộ có năng lực thực chất. Người đặc biệt phê phán căn bệnh quan liêu, hành chính hóa, hình thức, và coi đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, điều hành. Hồ Chí Minh khẳng định: “Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người”[2] “Về biên chế - từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”[3].

Hồ Chí Minh xác định tiêu chí của một bộ máy nhà nước trước hết phải gọn nhẹ: ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong công việc bộn bề của chính quyền cách mạng non trẻ mà chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Người cho rằng: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”[4]. Người giải thích nội hàm của tinh gọn bộ máy nhà nước như sau: “tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[5]. Hồ Chí Minh nói rõ hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả bộ máy, việc tinh gọn phải diễn ra trong cả bộ máy chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)...”[6].

Vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ “cắt bỏ cơ học” bộ phận dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Người nhìn nhận tác dụng của công tác giảm biên chế không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc người cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức và mong muốn của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Giản chính - Chính quyền và đoàn thể tìm mọi cách để giảm bớt những cơ quan và những nhân viên không cần thiết để tiết kiệm sức người và của, để thêm sức vào việc sản xuất. Đồng thời, tìm mọi cách để nâng cao năng suất của những nhân viên và các cơ quan”[7].

Tư tưởng xây dựng Nhà nước kiểu mới của Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc, đồng thời mang tính định hướng quan trọng cho việc thiết lập Nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản hiệu lực, hiệu quả, lấy lợi ích của Nhân dân làm trung tâm, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững đất nước.

Đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một định hướng có tính nguyên tắc, xuyên suốt và nhất quán trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được ra đời trong bối cảnh đòi hỏi càng bức thiết về bộ máy chính trị phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả hơn. Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã tạo chuyển động mạnh mẽ trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực cán bộ và tổ chức bộ máy. Đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung còn hạn chế về chất lượng, nhất là trong tư duy đổi mới và năng lực quản lý; hiện tượng “giữ người yếu, giảm người tốt” vẫn tồn tại do quy trình sàng lọc thiếu thực chất. Về tổ chức, việc sắp xếp mới chỉ dừng lại ở việc “gộp tên, nhập cơ cấu” mà chưa cải tiến nội dung, phương thức hoạt động; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, phối hợp kém hiệu quả, đùn đẩy trách nhiệm…. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, tư tưởng ngại thay đổi, lúng túng trong tổ chức thực hiện, chưa có lộ trình cụ thể và chính sách hỗ trợ hợp lý cho cán bộ thuộc diện tinh giản. Trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số, và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh gọn bộ máy chính trị không chỉ là yêu cầu cải cách hành chính mà còn là đòi hỏi mang tính tất yếu của lịch sử.

Đảng ta xác định Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước với yêu cầu cao hơn về đổi mới và phát triển toàn diện. Do đó, “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa” [8]. Trong cuộc cách mạng này, Đảng ta nhấn mạnh yếu tố tư duy đổi mới, hành động mạnh mẽ, không khoan nhượng với trì trệ, hình thức, gắn với các nguyên lý: kiên định, cải tiến, quyết liệt và toàn diện.

Chủ trương đẩy mạnh công cuộc tinh giản bộ máy của Đảng ta không chỉ là sự kế thừa và làm sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là bước phát triển tư duy lý luận một cách sáng tạo của Đảng, thích ứng với thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều đó góp phần phản bác một số quan điểm sai trái của các thế lực thù địch khi cho rằng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, cho rằng đó là “nóng vội”, “áp đặt ý muốn chủ quan của Đảng”…. Những luận điệu này là hoàn toàn phiến diện, bóp méo bản chất thực sự của công cuộc tinh gọn. Thực tiễn cho thấy, tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ hệ trọng, bắt nguồn từ nhu cầu cấp bách của thực tiễn trong những thời điểm có tính bước ngoặt.

Như vậy, tinh gọn bộ máy chính trị ở Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, mang tính chiến lược. Mục đích của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm loại bỏ những yếu tố cồng kềnh, trì trệ, đồng thời nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là “kim chỉ nam” cho Đảng ta trong lãnh đạo cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay.


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.4, tr.19

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.7, tr.432

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.13, tr.314

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.4, tr.146

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.7, tr.432

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.7, tr.367

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.6, tr.477

[8] Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 01/12/2024, Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII