Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc mà một trong những nét tiêu biểu nhất là truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc hiếu học và kính trọng người thầy luôn là đạo lý cơ bản của người Việt Nam. Sở dĩ có được sự kính trọng của xã hội bởi người thầy là biểu trưng của sự mô phạm trong cuộc sống; là những tấm gương đạo đức. Thầy là người truyền dạy không chỉ kiến thức mà cả đạo làm người. Trong đạo lý dân tộc Việt, người thầy được tôn trọng và xếp ở vị trí cao, bởi “Không thầy đố mày làm nên” (tục ngữ).

Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nguồn ảnh: Internet

Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt đã xuất hiện không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Thời Trần, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh làm quan đến chức Tể tướng, nhưng mỗi khi về thăm thầy dạy của mình là Chu Văn An luôn lấy làm vinh dự được quỳ bên giường của thầy và thấy vinh hạnh khi được thầy hỏi han. Có lần, Phạm Sư Mạnh về thăm thầy, quân lính thét loa làm huyên náo cả phiên chợ quê, biết chuyện, Chu Văn An đã quở trách. Từ đó mỗi khi về thăm thầy, các ông đều mặc áo vải thô và đi bộ để giữ đúng lễ thầy trò. Vua Lê Hiến Tông thường xuyên về thăm thầy dạy của mình ở vùng quê Thái Bình và được thầy cho ăn cơm với canh cua đồng, nhà vua nói “Thầy cho con ăn bát canh này là cho con cả một niềm hạnh phúc”. Sau cuộc chính biến kinh thành thất bại, vua Hàm Nghi chạy lên Sơn Phòng Quảng Trị và bị thực dân Pháp bắt. Kể từ ngày bị bắt, nhà vua luôn từ chối tiếp xúc với mọi người. Khi các quan vào thăm, nhà vua vẫn không nói nửa lời. Thái độ của nhà vua làm cho thực dân Pháp rất lúng túng vì không biết có thật là vua Hàm Nghi. Thế nhưng, khi thầy dạy của mình là Nguyễn Thận vào thăm, vua liền đứng bật dậy vái chào thầy. Qua cử chỉ ấy, thực dân Pháp mới chắc chắn rằng đó chính là vua Hàm Nghi thật. Vua Duy Tân đến tuổi “nạp phi”, bao nhiêu tiểu thư khuê các của các gia đình quyền quý đều mong muốn lọt vào mắt xanh của vua. Nhưng cuối cùng nhà vua đã chọn Mai Thị Vàng, con gái thầy dạy của mình là Mai Khắc Đôn. Giải thích về lựa chọn này, nhà vua nói: Thầy Mai Khắc Đôn dạy cho vua biết yêu nước, thương dân, biết gần người trung, xa kẻ nịnh thần nên tin rằng con gái thầy cũng được thầy dạy cho những điều tốt đẹp như vậy.

Tôn sư trọng đạo không chỉ giữ lễ với thầy khi thầy còn sống mà cả khi thầy không còn. Khi thầy và vợ thầy mất, học trò để tang như để tang cha mẹ mình trong 3 năm. Ngày giỗ thầy, các học trò làm lễ giỗ cho đến hết đời. Có nơi học trò góp tiền mua ruộng để lấy hoa lợi dùng cho việc giỗ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên, mất năm 1937, khi ấy qá nửa học trò mà thầy dạy dỗ cũng đã mất, còn lại hơn 200 người đã tề tựu đông đủ khăn trắng, áo dài tế thầy, sau đó góp tiền mua ruộng để lấy hoa lợi dùng cho việc hàng năm cúng giỗ thầy. Tiến sĩ Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam là học trò của tiến sĩ Hoàng Thì Bình người Từ Liêm Hà Nội vào làm đốc học Vĩnh Long khi đang là thượng thư của triều đình đã cùng học trò cũ xin phép được tế sống thầy để ghi nhớ công ơn dạy dỗ.

Cũng bởi lòng tôn kính thầy nên học trò luôn noi theo chí hướng của thầy và làm theo thầy. Khi Pháp nổ sung xâm lược Đà Nẵng vào năm 1858, 365 học trò của Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị đã theo thầy lập đội nghĩa tử chống Pháp. Khi thầy mất, học trò là Phạm Thận Duật khi ấy đang là thượng thư Bộ Hình đã thay mặt các học trò viết điếu thầy “Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, Thầy mất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thờ thầy được như cha. Đau xót thay, khóc mà viết”. Tống Duy Tân cũng là học trò của thầy, khi đang là thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp đã viếng thầy “Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thể chìm nổi mấy độ, đệ tử coi thầy như thân phụ, mất còn chung thủy mãi trăm năm”. Khi thực dân Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất, Hoàng Giáp Lê Đình Diên đã tụ tập văn thân và học trò bàn cách đánh Pháp. Có lần thực dân Pháp cho tay sai đánh ông giữa đường. Nghe thầy bị đánh, 300 học trò đã luyện tập võ bị, kéo đến Văn Miếu tuyên thệ đánh Pháp để rửa nhục cho thày. Trong khi nước mất nhà tan những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đã có biết bao học trò qua các bài giảng yêu nước của các thầy đã xếp lại bút nghiên để tìm đường cứu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ở nhiều trường học, cả thầy lẫn trò đều đăng ký tòng quân để giết giặc giải phóng nước nhà. Các học trò cũ của thầy Nguyễn Vĩ như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cố Phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Trần Hoàn thường về thăm thầy, đưa thầy đi thăm thú các nơi… Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết sau khi được quốc hội bầu giữ chức chủ tịch nước đã đi xe ca về thăm thầy giáo cũ ở Củ Chi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đã giữ những trọng trách rất cao vào thời gian trước đã đi xe máy về tận trường thăm thầy cô giáo cũ của mình…

Nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí". Nguồn ảnh: Internet

Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc được cả cộng đồng, cả dân tộc vun đắp, vì thế nó trở thành thói quen, thành nếp ứng xử chung của cộng đồng. Nhưng có lẽ, để răn đe những kẻ bội bạc với thầy, các triều đại xưa luôn có những điều khoản xử phạt nặng đối với những kẻ vô ơn, vô nghĩa với thầy nhưng lại hết sức nhân đạo nếu học trò nào biết hối lỗi, sửa sai. Bộ luật Hồng Đức triều Lê trong thế kỉ XV đã có nhiều điều khoản quy định rất rõ về vấn đề này như “Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc… Quên ơn nghĩa, khinh nhờn thầy sẽ bị phạt suốt đời không được đi thi, không được làm quan và không được giữ nghề nghiệp. Nếu biết lỗi mà từ tạ làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho. Kẻ nào khinh nhờn thầy sẽ bị phạt cỗ tiền 50 quan, đánh chửi thầy tiền tạ tăng thêm 15 quan và bị đánh 80 trượng (…) Học trò đánh thầy và lăng mạ thầy thì phải tội hơn tội lăng mạ người thường ba bậc (…) Những cha mẹ, vợ con của các học trò đánh chửi thầy sẽ bị phạt 80 trượng (…) Các học trò vô lễ này suốt đời không được làm nghề dạy học. Nếu tự biết tội và tạ từ với thầy thì thầy cũng tha cho (…) Cha mẹ học trò phải răn con em về đạo thờ thầy, khi gặp thầy phải kính cẩn có lễ phép, không ai được trái lệnh, nếu không thì sẽ bị ghép vào tội bất kính”.

Dù cho vật đổi sao dời, tình thầy trò vẫn là tình cảm thiêng liêng cao quý. Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn không bao giờ là chuyện cũ, vẫn sẽ mãi là nét đẹp trong dòng chảy vă hóa Việt Nam.