Những ngày tháng Tư này, cả nước tưng bừng chào mừng 50 năm chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến thắng lịch sử này, tù chính trị Côn Đảo, những người đã kiên cường đấu tranh chống chế độ lao tù trong gần 20 năm, đã vùng lên đấu tranh giải phóng Côn Đảo, chiến thắng trở về

“Địa ngục trần gian” giam giữ, lưu đày hàng nghìn tù nhân

Ngày 24/10/1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 147 thành lập tỉnh Côn Sơn. Tháng 4/1965, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 75-NV, bãi bỏ tỉnh Côn Sơn, thiết lập một Cơ sở hành chính trực thuộc Trung ương, đứng đầu là một sĩ quan quân đội với chức danh Đặc phái viên hành chánh kiêm Quản đốc Trung tâm Cải huấn Côn Sơn. Từ tháng 3/1955 đến tháng 4/1975, có 14 đời “chúa đảo” cai trị.

Nhà tù thời Pháp có 3 trại giam chính: Trại I, Trại II, Trại III và nhiều Trại phụ. Riêng Trại III có một Trại chính, một Trại phụ và 2 dãy biệt lập (còn gọi là Chuồng Cọp Pháp). Tính đến ngày 26/12/1956, số tù tư pháp từ thời Pháp chuyển giao còn lại 674 người.

Tháng 01/1957, chính quyền Sài Gòn thanh lọc tù chính trị ở các nhà tù trong đất liền đày ra Côn Đảo, tù không có án tiết, được gọi là tù chính trị câu lưu (câu thúc, lưu giữ, giam giữ).

Tháng 12/1959, số tù câu lưu tăng lên mức cao nhất là 4.061 rồi giảm dần từ năm 1960, do chuyển về đất liền và trả tự do, đến tháng 7/1963 chỉ còn lại 519 người. Trong khi đó thì tù án ngày càng tăng lên, cuối năm 1960, số lượng tù án là 2.415 người. Tháng 7/1963 là 3.355 người. Số lượng tù nhân thời chống Mỹ lúc cao nhất xấp xỉ 10.000 người vào năm 1972.

Sau Hiệp định Paris (27/01/1973) chính quyền Sài Gòn trao trả 5.081 nhân viên dân sự, trong đó có 4.075 người ở nhà tù Côn Đảo. Trước ngày giải phóng (30/4/1975), Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó 4.234 là tù chính trị (có 494 phụ nữ) và 3.214 là tù thường phạm, quân phạm[1].

Chính sách giam giữ, đày ải tàn bạo

Tiếp tục thủ đoạn và các cơ sở lao động khổ sai do thực dân Pháp để lại, chính quyền Côn Đảo bóc lột lao động khổ sai của tù nhân, lấy tù nuôi tù, xây dựng trại giam, sân bay và các công trình trên đảo. Dù bị hành hạ, chế độ khổ sai vẫn dễ chịu hơn là cấm cố. Âm mưu sâu xa của chính quyền Sài Gòn trong việc bóc lột khổ sai nhằm phân hóa và cải huấn tù chính trị.

Thực chất của chế độ cải huấn là tố cộng trong tù. Việc phân loại tù nhân, áp dụng các chế độ giam giữ, chế độ kỉ luật, cưỡng bức khổ sai, đàn áp và khủng bố nhằm mục đích đày đoạ, làm kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần triệt hạ khí tiết cách mạng, biến người tù chính trị thành kẻ phản bội, trở thành tay sai cho chúng. Không làm được như vậy, chúng đánh đập, đày ải đến tàn phế, để khi mãn hạn tù, họ sẽ thành kẻ tật nguyền, không còn khả năng hoạt động. Các thủ đoạn cơ bản của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều nhằm mục đích triệt hạ khí tiết của tù chính trị, vì vậy, nội dung cơ bản của phong trào đấu tranh trong tù là đấu tranh bảo vệ khí tiết, với những hình thức, mức độ khác nhau ở mỗi trại tù.

Tù nhân Côn Đảo ngày chiến thắng trở về (Ảnh tư liệu)

Trường học đấu tranh cách mạng, bảo vệ khí tiết

Mặc dù bị giam cầm, tra tấn, đánh đập dã man, nhưng những người tù chính trị câu lưu vẫn luôn nỗ lực đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản. Từ tháng 5/1957, địch tiến hành cưỡng bức li khai Đảng cộng sản đối với tù chính trị câu lưu. Những người chống ly khai bị giam tại Trại I, chúng gọi là “Trại cộng sản”. Trên 1.000 tù chính trị câu lưu Trại I đã kiên cường đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản, chống hô khẩu hiệu xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng trăm người đã hy sinh anh dũng, còn lại 59 người kiên cường chống ly khai, địch đưa về Chuồng Cọp và khủng bố vô cùng man rợ (4/1960).

Đến tháng 3/1961, lực lượng chống ly khai chỉ còn 17 người. Địch tập trung những tên ác ôn nhất để đàn áp, dụ dỗ và cưỡng bức. Từng người đã viết bản xác định lập trường, cam kết thà chết không ly khai cộng sản, không đả đảo lãnh tụ Hồ Chí Minh, không từ bỏ con đường đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Hai anh Trần Trung Tín và Lưu Chí Hiếu đã tuyệt thực đến chết để phản đối hành động khủng bố man rợ và ngăn chặn bàn tay khát máu của kẻ thù. Năm chiến sĩ còn lại tiếp tục giương cao ngọn cờ chống ly khai cho đến ngày toàn thắng, kẻ thù phải chịu thua và trả tự do cho các anh sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đó là: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh và Lê Văn Một, được tập thể tù chính trị Côn Đảo tôn vinh là “Năm ngôi sao sáng” và nêu gương học tập trong tù[2].

Thấm thía thất bại đau xót, thấm thía nỗi cay đắng tủi nhục khi bị khuất phục, những người có trách nhiệm đã nung nấu ý chí vươn lên khôi phục lại vị trí đấu tranh bảo vệ khí tiết. Các anh Lương Chi (Lương Thạnh), Đặng Ngọc Cảnh, Nguyễn Hào (Nguyễn Thành), Nguyễn Ngọc Cao (Trần Văn Cao), Nguyễn Văn Nghĩa, Phan Xuân Nhị (tự Bình), cùng những người có trách nhiệm ở Trại I vừa bị đánh rã đã tập hợp lại lực lượng, bàn phương án đấu tranh vươn lên, khôi phục lại vị trí bảo vệ khí tiết của Trại I – Trại cộng sản, từng bước chống học tố cộng, chống ký kiến nghị phản động, chống chào sĩ quan, chống khổ sai nặng nhọc, chống hô khẩu hiệu phản động để khi có thời cơ, vươn lên đấu tranh chống chào cờ ngụy và chống toàn bộ nội quy nhà tù, kiến tạo lại vị trí bảo vệ khí tiết.

Ngày 01/5/1963, tại phòng 4, Trại IV, Chi bộ Lê Hồng Phong được thành lập, gồm: Lương Chi, Bí thư; Đặng Ngọc Cảnh, Phó Bí thư phụ trách tổ chức; Đỗ Hằng, đảng viên phụ trách tuyên huấn; Hoàng Phùng, đảng viên, đại diện đấu tranh, các đảng viên Trần Thám, Nguyễn Quýnh, Nguyễn Hài được phân công phụ trách từng bộ phận. Chi bộ đề ra 3 nhiệm vụ trước mắt: Củng cố nòng cốt ở các phòng giam, các kíp tù; tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; chuẩn bị thực lực khi có điều kiện sẽ chống chào cờ.

Sáng 02/11/1963, được tin giới quân sự ở Sài Gòn làm đảo chính, chi bộ Lê Hồng Phong đã phát động cuộc đấu tranh chống hô khẩu hiệu phản động. Các anh Lê Quang Ba, Phạm Minh Sáu, Nguyễn Văn Sâm (tức Lê Thành Tâm) đứng ra tuyên bố không ủng hộ bất cứ tổ chức nào của chế độ Sài Gòn. Gần một tháng bị cấm cố, các phòng trao đổi và quyết định đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực vào ngày 22/12/1963, đòi được tự do tư tưởng và giải quyết các yêu sách dân sinh dân chủ. Cuộc tuyệt thực nổ ra đúng vào đỉnh cao của cuộc khủng hoảng chính trị tại Sài Gòn làm cho chính quyền Côn Đảo rất hoang mang.

Sau 3 ngày tuyệt thực, ngày 25/12/1963, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sáu chấp nhận bỏ hô khẩu hiệu lúc chào cờ, và giải quyết các yêu sách, cho tù nhân được tự do tư tưởng, cải thiện đời sống, cho bầu Đại diện và Tổng Đại diện, riêng việc trả tự do và đưa về đất liền phải chờ ý kiến của Sài Gòn. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, đạt các yêu cầu cơ bản mà chi bộ đã đề ra. Chi bộ Lê Hồng Phong đã hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo lực lượng tù chính trị câu lưu vươn lên đấu tranh khôi phục toàn bộ vị trí bảo vệ khí tiết.

Trong những năm 1965-1967, phong trào đấu tranh chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa diễn ra mạnh mẽ. Khi tù chính trị câu lưu khẳng định được vị trí bảo vệ khí tiết, chống ly khai Đảng Cộng sản cũng là lúc tù án chính trị phát khởi cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy. Chào cờ “quốc gia” là nội quy bắt buộc của nhà tù, đồng thời là một thủ đoạn tố cộng. Khi chào cờ, chúng buộc tù nhân phải hô khẩu hiệu phản động: “Ủng hộ Ngô Tổng thống”, “Đả đảo Hồ Chí Minh” nhằm triệt hạ khí tiết và bôi vết đen lên phẩm chất những người tù chính trị.

Từ cuối năm 1964, tù án chính trị đã đấu tranh chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa. Đầu tháng 4/1967, số tù án chống chào cờ tăng lên 180 người. Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ quyết định mở đợt đàn áp, bức hàng. Không chịu nổi chế độ đàn áp quá khắc nghiệt, 77 người rớt trong tuần đầu, còn lại 103 người tiếp tục chiến đấu.

Từ ngày 7 đến ngày 11/4/1967, lần lượt có 27 người tham gia tuyệt thực đòi: Được tự do tư tưởng; Không được đánh đập; Tăng khẩu phần ăn; Cho về trại để được rộng rãi; Tăng giờ ra chơi. Cuộc tuyệt thực kéo dài 19 ngày, nhiều người đã phải bỏ cuộc, còn lại 6 người quyết tử bảo vệ khí tiết là: Hoàng Thanh, Phan Văn Huệ, Nguyễn Tử Tòng, Nguyễn Văn Trường, Phạm Thông và Ngô Đình Thời. Đó là Sáu Ngọn Cờ Đầu thôi thúc lực lượng tù án chính trị vươn lên đấu tranh. Từ cuối năm 1968, phong trào chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa lại bùng lên mạnh mẽ. Nhiều đợt lưu đày tù chính trị từ nhà lao Chí Hoà ra Côn Đảo đã bổ sung lực lượng chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa.

Tinh thần đấu tranh kiên quyết của nữ tù chính trị, của tù chính trị chống chào cờ và tù bại lết ở Chuồng Cọp, Chuồng Bò, nhà dù Trại VII dồn dập từ đầu năm 1970 đã tạo khí thế mới, thôi thúc phong trào, nhất là từ khi vụ “Chuồng Cọp Côn Đảo” được phơi bày trước dư luận Quốc tế. Nhận thấy tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, Ban lãnh đạo các trại tù án chính trị đã phát động cao trào Đồng Khởi chống khổ sai và chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa với hơn 4.000 người tham gia vào tháng 8/1970. Phong trào đấu tranh đồng loạt chống khổ sai và chống chào cờ tháng 8/1970 được tù chính trị Côn Đảo gọi là “phong trào Đồng Khởi chống khổ sai và chống chào cờ ngụy”.

Ngày 3/2/1972, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu được thành lập do Nguyễn Ngọc Cao là Bí thư, Đào Văn Trân là Phó bí thư, Mai Xuân Cống là Ủy viên thường vụ, kiêm Trưởng Ban điều hành trại; Phó Ban điều hành kiêm Tổng đại diện là Hoàng Phùng[3]. Đợt đầu, Đảng bộ kết tập 11 người, sau đó xây dựng 10 chi bộ trong 10 phòng của Trại VI khu B, mỗi chi bộ từ 5 đến 10 đảng viên tổng số 62 đảng viên được kết tập vào cuối năm 1972. Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị câu lưu. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và tranh đấu tại Trại VI khu B. Nhiều đảng viên của Đảng bộ sau này đã được cử vào Đảng ủy lâm thời, góp phần quan trọng trong thời điểm nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

Tấm ảnh nổi tiếng tù nhân Côn Đảo đoàn tụ gia đình (Ảnh tư liệu Lâm Hồng Long)

Giải phóng Côn Đảo, chiến thắng trở về

Ngày 29/4/1975, khi quân giải phóng tiến công Sài Gòn, ở Côn Đảo các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Sáng 30/4/1975, chính quyền địch ở Côn Đảo tổ chức di tản ra tàu và âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị vào giờ chót. Nhưng bão táp cách mạng ập đến khiến chúng không kịp thực hiện tội ác cuối cùng. Tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng đã làm kẻ địch tại Côn Đảo kinh hoàng, tháo chạy hỗn loạn cho đến nửa đêm.

Bằng nhiều nguồn tin, tù chính trị ở các trại đều phán đoán trong đất liền có biến động lớn. Ban lãnh đạo các trại tù đều chuẩn bị tổ chức kỉ niệm trọng thể ngày Quốc tế Lao động (01/5) để phát huy uy thế cách mạng, đồng thời thăm dò phản ứng của địch.

23 giờ ngày 30/4, một nhóm sĩ quan, công chức đã mở phòng 24 khu H, báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, các phần tử ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, yêu cầu tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự an ninh và bảo đảm tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo.

Sau khi thẩm tra nguồn tin qua rađiô và cử người ra ngoài trại nắm tình hình, những người có trách nhiệm ở Khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Sau khi ra khỏi phòng giam, Đảo ủy lâm thời được thành lập gồm Trịnh Văn Tư làm Bí thư; Trần Trọng Tân làm Phó Bí thư; Mai Xuân Cống làm Ủy viên thường trực[4] đã chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang và cử người đi mở cửa cho các trại. 10 giờ ngày 01/5/1975, Đài truyền thanh Côn Đảo phát sóng, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền được tổ chức theo tinh thần “hoà hợp-hoà giải dân tộc”, gồm 15 người, lấy tên là Ủy ban Hoà hợp - Hoà giải Dân tộc tỉnh Côn Sơn.

Chiều 01/5/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã họp với đại diện Bộ tư lệnh Hải quân, Khu ủy miền Đông, Sư đoàn Sao Vàng (F3) và Thành ủy Vũng Tàu, bàn phương án giải phóng Côn Đảo bằng một cuộc hiệp đồng quân chủng Hải-Lục-Không quân. Khi tàu hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì những người tù chính trị Côn Đảo đã tự nổi dậy giải phóng và ổn định tình hình trên đảo. Ủy ban Quân quản Côn Đảo được thành lập, bố trí kế hoạch đưa tù chính trị trở về đất liền.

Ngày 04/5/1975, các con tàu từ đất liền đã ra đến đảo đón những chiến sĩ cách mạng chiến thắng trơ về từ “Địa ngục trần gian”.


[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 475, 47

[2] Bùi Văn Toản: Lao 1 – Côn Đảo truyền thống kiên trung bất khuất, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2011, tr 35-36.

[3] Bùi Văn Toản: Lao 1 – Côn Đảo truyền thống kiên trung bất khuất, Nxb Thanh Niên, 2011, tr 264-265.

[4] Bùi Văn Toản: Lao 1 – Côn Đảo truyền thống kiên trung bất khuất, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2011, tr 337.