Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi, những “cây cao bóng cả”, những người “giữ hồn cho dân tộc” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống
Tin tưởng vào lớp người cao tuổi
Năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 1/10 hằng năm là ngày Quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ năm 1991.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng vào ngày 1/10 ba mươi năm trước đó, ngày 1/10/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn”, trong đó có đoạn: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ”[1].
Bác tặng người cao tuổi 4 câu thơ sau:
Càng già, càng dẻo lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,
Vuốt râu mừng xã hội tương lai[2].
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngay sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, tháng 6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão. Trong Lời hiệu triệu, Người nhấn mạnh những nhiệm vụ hết sức trọng đại của phụ lão đối với đất nước, đồng thời đánh giá cao vai trò của phụ lão đối với Tổ quốc, quê hương, làng xóm và gia đình; tin tưởng sâu sắc ở khả năng to lớn và tinh thần hăng hái đóng góp của phụ lão đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phủ trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”[3]. Người nhấn mạnh: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không”[4]. Và Người đã chỉ đạo sớm thành lập Hội Phụ lão Cứu quốc ngay tại các thôn, bản, vùng căn cứ địa cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bậc phụ lão tại Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961 (Ảnh tư liệu)
Ngày 21/8/1941, trong bài thơ cổ động báo Việt Nam độc lập, Người viết: “Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già, Đoàn kết vững bền như khối sắt, Để cùng nhau cứu nước Nam ta”[5]. Cũng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/01/1942, Người hiệu triệu: “Bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, quý tiện, đều phải vào các Hội Cứu quốc. Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công”[6].
Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 21/9/1945, Người gửi thư cho các vị phụ lão, kêu gọi tinh thần nêu gương của các cụ phụ lão: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”[7]. Từ lời kêu gọi đó, trên cả nước, Hội Phụ lão cứu quốc ngày càng phát triển, đóng góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong những năm kháng chiến, Bác Hồ luôn theo dõi và cổ vũ sự phấn đấu của người cao tuổi; quan tâm và thấu hiểu sự cố gắng của các cụ trong sự nghiệp cách mạng, luôn kịp thời động viên, khích lệ. Chẳng hạn như những câu thơ mà Người đã gửi tặng tới ba lão du kích Cao Bằng năm 1947:
Tuổi cao chí khí càng cao
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng[8].
Ngoài ra, Bác Hồ cũng rất nhiều lần gửi thư khen, lời chúc mừng, tặng Huy hiệu, tặng lụa tới người cao tuổi có thành tích kháng chiến và sản xuất, điều mà sau này, nhà thơ Tố Hữu đã cô đọng xúc tích trong câu thơ “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của lớp người đi trước đối với những thế hệ tiếp nối. Người nói: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa[9].
Trong buổi gặp gỡ với những cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm ngày 09/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v.v..”[10].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nghiêm khắc phê phán thái độ tự ti của những cán bộ lớn tuổi, cho rằng mình không còn khả năng tiến bộ nữa, không thể học hành và cống hiến nữa. Tại lớp huấn luyện đảng viên mới vào ngày 14/5/1966, Người nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[11].
Tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18/1/1967, Bác Hồ đã chỉ ra và phân tích thêm về ưu, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ già: “Cán bộ già là vốn quí của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới”[12].
Những lời tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tâm nguyện của bao lớp người cao tuổi, của hầu hết cán bộ lão thành cách mạng, hiểu rõ trách nhiệm của mình nên vẫn tận trung với Đảng, hiếu với dân, tiếp tục cống hiến khả năng, kinh nghiệm của mình cho nước, cho dân.
Người cao tuổi – vốn quý của xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tình cảm, phong cách sống, sự tôn trọng, tin tưởng và đề cao vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, sự phát triển đất nước, xã hội và gia đình; là hình ảnh tiêu biểu và sinh động về triết lý sống, nhân văn và văn hoá của người Việt Nam đối với người cao tuổi.
Chăm sóc người cao tuổi được Đảng, Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn.
Ảnh: Khám bệnh cho người cao tuổi tại địa phương (Ảnh Internet)
Người từng nói “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Vì vậy, Người luôn luôn quan tâm, tôn trọng, yêu cầu chăm sóc người cao tuổi cũng như tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi. Đồng thời, Người cũng khẳng định về vai trò và ảnh hưởng của người cao tuổi: “Dẫu tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi nhưng mỗi lời các cụ nói ra có ảnh hưởng đến hưng bang, mỗi hành động của phụ lão ảnh hưởng đến việc dựng nước và giữ nước... Đối với gia đình, Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng đối với làng xóm, bà con, có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo”[13].
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện theo đúng những mong mỏi của Người là quan tâm nhiều đến người cao tuổi. Bên cạnh Luật Người cao tuổi, được Quốc hội thông qua năm 2009, các chế độ ưu tiên dành cho người cao tuổi ngày càng được xây dựng và chú ý thực hiện trong thực tế. Càng ngày, người cao tuổi càng có nhiều cơ hội hoạt động, tích cực xung kích, đi đầu, nêu gương để tạo sức lôi cuốn cho các tầng lớp khác trong xã hội.
Trên thực tế, hầu hết người cao tuổi ở nước ta nói chung đều trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; là những người lao động, quân nhân, cán bộ, những trí thức, văn nghệ sĩ... đã từng cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng; gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trải qua thời gian, họ vẫn luôn giữ được sự trung thành với cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống giản dị, tiếp tục cống hiến, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Về mặt số lượng, người cao tuổi ở nước ta theo thời gian, ngày càng đông, chiếm phần không nhỏ trong cơ cấu dân số. Vì vậy, vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước làm gương cho lớp trẻ đi sau tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, qua đó để vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội cùng nhau chăm sóc người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiến Duy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.691
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.692
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.232-233
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.23
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.237
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.251
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.23-24
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.375
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.272
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.274
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.15, tr.113
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.278
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.233