Sáng nay (18/4), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp xúc với cử tri thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Cử tri thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bày tỏ phấn khởi về tình hình phát triển của đất nước và tỉnh Quảng Nam trong những tháng đầu năm 2025, đặc biệt chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho người dân như: xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; chính sách đối với người có công, miễn học phí...
Nhiều cử tri thành phố Hội An ủng hộ cao đối với chủ trương hợp nhất cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, tán thành và ủng hộ phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để tranh thủ các nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới. Nhiều cử tri cũng bày tỏ tâm tư khi tên gọi Quảng Nam sẽ không còn nữa.

Cử tri thành phố Hội An kiến nghị Trung ương nghiên cứu có chế độ hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách cấp xã; người lao động các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội bị tác động, nghỉ thôi việc do thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ, vấn đề đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau hợp nhất đã được Trung ương tính toán, cân nhắc rất kỹ và thảo luận thống nhất bằng nghị quyết.
Theo ông, văn hóa truyền thống của xứ Quảng không thể mất đi sau hợp nhất. Dẫu không còn tên chính danh Quảng Nam, nhưng văn hoá và con người xứ Quảng vẫn còn, các thế hệ kế cận có nhiệm vụ giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng trong giai đoạn mới.
“Vấn đề bây giờ là phải tính toán làm sao để hai địa phương tỉnh Quảng Nam – thành phố Đà Nẵng hợp nhất lại để phải phát triển mạnh hơn. Thực hiện tốt việc sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, tư tưởng, không để quá xáo trộn, chăm lo thực hiện tốt chế độ chính sách cho các đối tượng bị tác động; giải quyết tốt công việc của dân” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn cử tri ủng hộ các chủ trương lớn của Trung ương, nhất là trong bối cảnh thực hiện hợp nhất cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã hiện nay, hướng tới mục tiêu giảm quy mô tổ chức bộ máy nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu quả hơn.
Đây là chủ trương gắn với cải cách, hoàn thiện cơ chế chính sách, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ nhằm tạo ra bước đột phá để đưa đất nước vươn mình, tạo sự bứt phá để đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2030, năm 2045.