Đêm 28/10/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng được thành lập-là chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Nam Bộ. Sự ra đời Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào công nhân trong các đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ, là hạt nhân lãnh đạo tạo nên phong trào “Phú Riềng đỏ” vang dội trong thập niên 30 của thế kỷ XX. Vì lẽ đó, ngày 28/10 cũng được lấy làm ngày truyền thống của Ngành cao su Việt Nam

Thành lập

Chịu ảnh hưởng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập vào tháng 6/1925, năm 1927, Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập.

Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều hội viên của Kỳ bộ Nam Kỳ đã vào làm công nhân ở các xí nghiệp, làm phu ở các đồn điền, hầm mỏ. Trong đó, các đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ[1] được nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến hoạt động. Tiêu biểu Nguyễn Xuân Cừ (Nguyn Văn Vĩnh)[2] đi “vô sản hóa” ở đồn điền Phú Riềng vào khoảng đầu năm 1928. Nhờ nói tiếng Pháp giỏi, lại có nhiều hiểu biết nên Nguyễn Xuân C được chủ đồn điền cho làm “công nhân tự do”, được quyền đi lại trong đồn điền.

Từ chỗ gần gũi với số đông công nhân đồn điền, Nguyễn Xuân C đã kín đáo tuyên truyền cách mạng trong số những công nhân tích cực. Người đầu tiên anh tìm đến liên lạc và móc nối là Trần Tử Bình - người vốn nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh tự phát trước đây. Nguyễn Xuân Cừ đã truyền đạt cho Trần Tử Bình và các công nhân tích cực ở đây những kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh cụ thể, tin tức về phong trào cách mạng của công nhân thế giới và về đất nước Liên Xô, về chủ nghĩa Mác- Lênin.

Sau một thời gian được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và được thử thách trong công tác, tháng 4-1928, Trần Tử Bình và 3 người nữa là: Tạ, Hồng, Hòa, được Nguyễn Xuân Cừ tổ chức kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; đồng thời, thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở đồn điền Phú Riềng, do Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Đó là một trong 19 chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ.

Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Phú Riềng đã lãnh đạo toàn bộ hoạt động đấu tranh của công nhân cao su ở đây, dẫn dắt phong trào chuyển dần sang đấu tranh tự giác. Anh chị em công nhân cao su đã biết tổ chức nhau lại dưới hình thức “Hội tương tế” để giúp đỡ nhau trong lúc ốm đau hoạn nạn, rồi nâng dần lên thành tổ chức nghiệp đoàn với tôn chỉ, mục đích đấu tranh bảo vệ quyền lợi của công nhân.

Một cuộc biểu tình ngồi của công nhân cao su Phú Riềng (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

Mặt khác, các cuộc đấu tranh của họ cũng không còn mang hình thức tự phát, lẻ tẻ như trước nữa mà bắt đầu có tổ chức và mang tính tập thể dưới các hình thức bãi công, biểu tình; không chỉ nhằm mục đích đòi các quyền lợi kinh tế mà đã có mục đích đánh đổ kẻ thù của dân tộc, giai cấp. Những cuộc đấu tranh mạnh mẽ của công nhân cao su các đồn điền nói chung và ở đồn điền Phú Riềng nói riêng trong những năm 1927-1929 đánh dấu việc giai cấp công nhân ở đây đã trưởng thành cả về nhận thức và phương pháp đấu tranh. Phong trào công nhân cao su đồn điền Phú Riềng trở thành mảnh đất tốt cho việc ươm trồng hạt giống cộng sản.

Tháng 6/1929, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chuyển sang lập trường cộng sản và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng[3]. Để phát triển tổ chức và mở rộng địa bàn hoạt động, Đông Dương Cộng sản Đảng phân công người vào Trung Kỳ và Nam Kỳ hoạt động để xây dựng cơ sở đảng. Trong số đó, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Sài Gòn hoạt động với vai trò là đại diện Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau một thời gian, đồng chí Ngô Gia Tự liên lạc được với đồng chí Nguyễn Xuân Cừ ở đồn điền cao su Phú Riềng và chỉ đạo thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng.

Đêm 28/10/1929, tại làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, gồm 6 đảng viên là các đồng chí: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Tạ, Hồng, Hòa và Doanh (4 người này chưa rõ họ), do Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư [4].

Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng là chi bộ đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Bộ. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân cao su, đã chuyển lên một bước mới là đấu tranh tự giác do tổ chức đảng cộng sản lãnh đạo. Đồng thời, cũng khẳng định sự cần thiết phải có một chính đảng cộng sản đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam.

Vai trò và hoạt động

Sau ngày thành lập, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng bắt tay ngay vào việc tổ chức công nhân đấu tranh đòi các quvền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện tình hình ăn, ở, các điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, chống cúp phạt, đánh đập. Về mặt tổ chức đội ngũ công nhân, Chi bộ chủ trương cải tổ và xây dựng nghiệp đoàn công nhân cũ (thành lập vào tháng 6/1928) thành một Nghiệp đoàn bí mật - Công hội đỏ. Nghiệp đoàn do đảng viên Hồng trực tiếp làm thư ký. Mọi chủ trương của Chi bộ qua sự vận động của Nghiệp đoàn đều được công nhân sôi nổi hưởng ứng.

Di tích quốc gia Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại đồn điền cao su Phú Riềng
(ngày nay thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

Để làm tốt công tác vận động và giáo dục cách mạng trong công nhân đồn điền, Chi bộ bí mật ra tờ báo lấy tên là Giải thoát. Tờ Giải thoát xuất bản hằng tháng với số lượng vài trăm tờ, bí mật lưu hành trong công nhân. Các bài viết đều do các đảng viên trong Chi bộ và các thành viênBan Chấp hành nghiệp đoàn viết. Với tờ báo này, Chi bộ đồn điền Phú Riềng đã có thêm điều kiện để làm tốt công tác vận động công nhân tiến hành đấu tranh cách mạng. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của công nhân cao su và cũng là tờ báo đầu tiên của phong trào cách mạng ở miền Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, Chi bộ Phú Riềng còn xây dựng một đội “Thanh niên xích vệ” do đồng chí Trần Tử Bình làm đội trưởng. Đó là một tổ chức bán vũ trang, được phiên chế thành các tiểu đội, mỗi tiểu đội ứng với một làng công nhân, gồm khoảng 40 thanh niên công nhân; được trang bị nhiều thứ vũ khí tự tạo như lưỡi búa nguyệt, dao cạo mủ, gậy gộc, dây thừng. Dưới hình thức tập múa lân, thanh niên trong đội thường tụ họp vào buổi tối để luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đấu tranh vũ trang khi cần thiết.

Chi bộ Phú Riềng còn thông qua tổ chức Nghiệp đoàn lập ra các hội nhóm như: Hội Xuân Thu nhị kỳ của công nhân bên lương, Hội Ông Thánh Giu-se của công nhân bên giáo, các hội chèo (ở các làng số 9, số 3, số 2...), hội đá bóng, đội lân… Những hội quần chúng này đã đi sâu vào đời sống công nhân đồn điền, đóng góp vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp đội ngũ công nhân, trở thành lực lượng hùng hậu tham gia các phong trào đấu tranh do Chi bộ phát động.

Có thể khẳng định, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng ra đời đã có vai trò quan trọng đối với phong công nhân cao su đồn điền Phú Riềng. Có sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, đội ngũ công nhân đã được giác ngộ cách mạng sâu sắc, đấu tranh có tổ chức, có mục đích, có phương pháp rõ ràng. Một phong trào đấu tranh đầu tiên của công nhân đồn điền Phú Riềng mà hạt nhân lãnh đạo là Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng, dưới hình thức bãi công đã diễn ra mạnh mẽ từ ngày 30/1 đến 6/2/1930 và giành được thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân lúc đó, có tiếng vang trong cả nước, tạo nên một “Phú Riềng đỏ” cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su khắp miền Đông Nam Bộ[5].

Nhẫn Trần

 

[1] Cùng với quá trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam, tư bản Pháp đã thành lập hàng loạt các công ty cao su ở miền Nam như: Công ty cao su Đồng Nai (1908), Công ty đồn điền Đất Đỏ Công ty cao su Viễn Đông (1910), Công ty Đồn điền Xuân Lộc (1911), Công ty Cao su Tây Ninh (1913), Công tỵ Cao su Đông Dương (1906)… Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, các công ty cao su lớn của tư bản Pháp tiếp tục lập ra hàng loạt các đồn điền, mở rộng ra khắp vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ. Cùng với đó là sự hình thành đông đảo đội ngũ công nhân cao su ở miền Nam với những phong trào đấu tranh tự phát diễn ra chống áp bức, bóc lột, đòi các quyền cơ bản.

[2] Nguyễn Xuân Cừ quê ở Bắc Ninh, có bằng tú tài, nói tiếng Pháp tốt, sớm được giác ngộ cách mạng.

[3] Cuối tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm 7 đảng viên. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên - Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở đảng cộng sản ở Bắc Kỳ họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

[4] Công đoàn Cao su Việt Nam: Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1929-2014), Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.40.

[5] Do ảnh hưởng to lớn từ phong trào đấu tranh của công nhân Phú Riềng, từ sau năm 1930, chủ sở ở đây đã quyết định đổi tên đồn điền Phú Riềng thành đồn điền Thuận Lợi, với mưu đồ xóa bỏ truyền thống “Phú Riềng đỏ” trong lòng người phu cao su, trong lòng nhân dân lao động miền Đông Nam Bộ và cả nước.