Hỏi: Xin cho biết tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Trả lời:
Ảnh tư liệu
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, Người thường sử dụng khái niệm “cách lãnh đạo” với nội hàm như khái niệm “phương thức lãnh đạo”. Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “phương thức lãnh đạo của Đảng” tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (năm 1989). Phương thức lãnh đạo của Đảng được hiểu là những nguyên tắc, quy tắc, cách thức, biện pháp để tác động vào những đối tượng lãnh đạo, nhằm đạt được mục đích, yêu cầu, nội dung lãnh đạo.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền được thể hiện ở những vấn đề sau đây:
Một là, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và lịch sử; xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu khách quan của cách mạng và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ cách mạng; chỉ đạo tổ chức triển khai việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết thành các văn bản pháp luật, đưa vào thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. “Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi”[1].
Hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tổ chức cán bộ, bằng cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.
Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 20/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”[2]. Theo Người, “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[3].
Người cho rằng: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[4]. Trong điều kiện đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên tham gia vào các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, do đó công tác cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo công tác cán bộ cho toàn hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc và chỉ rõ các khâu của công tác cán bộ, từ lựa chọn cán bộ; đề bạt đúng cán bộ; huấn luyện cán bộ; đánh giá đúng cán bộ; phải khéo dùng cán bộ; phải giữ gìn cán bộ; phải chăm lo cho cán bộ; phải luôn luôn kiểm soát cán bộ... Trong đó, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[5].
Thứ ba, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, kiểm soát. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị… sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế, “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[6]. Người cho rằng: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[7]. Người cũng chỉ rõ, có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to lớn của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”[8].
Thứ tư, Đảng lãnh đạo thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tính tiên phong, gương mẫu là một trong những yêu cầu, tiêu chuẩn đảng viên, đồng thời thể hiện tinh thần tự nguyện hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, để lãnh đạo được quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[9]; phải thực hiện “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân”[10], ở đây những người đảng viên, những người có trách nhiệm với đất nước phải biết lo trước nỗi lo của thiên hạ, và chỉ vui sau khi thiên hạ đã được an vui, hạnh phúc; phải thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”[11]. Người nói rõ, đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta.
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật”[12]. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã có bước phát triển mới, khẳng định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”[13].
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), ngày 30/7/2007 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, trong đó khẳng định: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng”. Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định quan điểm, mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, đặc biệt đưa ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, nhấn mạnh rằng: (1) thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; (2) tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”; (3) đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng; (4) tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng[14]. Như vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, đúng vai trò, chức năng. Đảng lãnh đạo bằng pháp luật, trong khuôn khổ Hiến pháp, không bao biện làm thay hoặc buông lỏng. Cần tinh gọn tổ chức, phân định rõ chức năng lãnh đạo - quản lý, nâng cao hiệu quả ban hành, thực hiện nghị quyết, tăng cường kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 395.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 68.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 68.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 280.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 390.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 636-637.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 636.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 637-638.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 16.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 201.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 546.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập I, tr. 196-197.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập I, tr. 76-77.
[14] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, ngày 16/09/2024, https://dangcongsan.org.vn/tinhuyninhbinh/Lists/XayDungDang/View_Detail.aspx?ItemID=977.