Nhìn vào lịch sử dân tộc Việt Nam có thể thấy, nhiều vị vua quan thời Lý - Trần, nhờ được lòng dân đã giành được thắng lợi trong công cuộc xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm. Còn không được lòng dân, đất nước sớm muộn sẽ bị suy vong, ngoại bang đô hộ. Điều này được Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chỉ rõ qua sự phân tích nguyên nhân thất bại của nhà nhà Hồ: “… họ Hồ thoán đoạt, người cả nước xem tựa kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly…”[1], vì vậy nên khi đất nước lâm nguy, “quân nhà Hồ trăm vạn nhưng không một lòng”, do đó, cuộc kháng chiến nhà Hồ chống quân Minh nhanh chóng thất bại, điều này được Hồ Nguyên Trừng - con trai cả Hồ Quý Ly - một vị tướng tài giỏi đau đớn thốt lên khi nhà Hồ bàn kế sách khẩn cấp để chống giặc: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Vậy, “sao cho được lòng dân”?
Trả lời câu hỏi này, ngày 12 tháng 10 năm 1945 với bút danh Chiến Thắng, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sao cho được lòng dân?[2]Trong tác phẩm Người chỉ rõ muốn được lòng dân, “việc gì có có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân”, “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”, “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung”. Nói tóm lại, muốn được lòng dân, theo Hồ Chí Minh “Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy lợi ích của Nhân dân là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ảnh tư liệu.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài học từ lịch sử để lại, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lên trước hết. Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì dân, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân đó chính là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng ta. Vì vậy, Đảng ta luôn được dân tin, dân yêu, nguyện một lòng một dạ đi theo Đảng, nhờ đó, đã tạo nên sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn để Đảng lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX và trong công cuộc đổi mới đất nước.
Hiện nay, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, để thực hiện mục tiêu, lý tưởng “vì dân”, để “được lòng dân”, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, với yêu cầu “đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết” Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ cuộc sống bình an, hạnh phúc cho người dân, hàng trăm chuyến bay đón công dân Việt Nam từ các vùng dịch trở về quê an toàn; hàng chục nghìn tỷ từ ngân sách Nhà nước được hỗ trợ đến tay tận từng người dân; hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương không ngừng nỗ lực để đưa ra những quyết sách trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; những lực lượng tuyến đầu hằng phút hằng giây căng mình để cứu sống những bệnh nhân Covid khỏi lưỡi hái của tử thần… tất cả những hành động đó đều thể hiện mục tiêu, lý tưởng mà xã hội chúng ta hướng tới đó là vì dân. Chính vì dân nên chúng ta mới được lòng dân. Theo khảo sát được nền tảng Dalia công bố ngày 30/3/2020, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ hài lòng cao nhất thế giới về phản ứng của Chính phủ đối với dịch bệnh. Và trong bức thư gửi về từ châu Âu, một người dân Việt Nam chia sẽ: “Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra Việt Nam mình đáng trở về như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới…”. Những đánh giá tích cực của nhân dân, của bè bạn quốc tế thể hiện sự đồng thuận của nhân dân với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu chung.
Song, trong thời gian qua, vẫn còn một số nơi, cán bộ, chính quyền vẫn chưa được lòng dân, thậm chí còn bị dân ghét, dân khinh. Lý do là ở đó vẫn còn “cái tật cậy thế, cậy quyền với nhân dân”. Vì cái tật cậy quyền cậy thế nên không quan tâm đến dân, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, không gương mẫu trong công tác, thiếu trách nhiệm, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến “lòng dân” đối với chính quyền, với Đảng. Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân với chính quyền, với Đảng, đặc biệt để “được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ”, để “được lòng dân”, nhất thiết chúng ta phải thực hiện một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, phải chú ý giải quyết hết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng, đến đời sống của nhân dân với tinh thần chí công vô tư. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, việc Chính phủ cần làm nhất lúc này chính là bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho người dân. Làm cho nhân dân không cảm thấy lo âu vì sức khỏe và tính mạng bị đe dọa bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai có hiệu quả các gói chính sách bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối tượng người dân yếu thế, bảo đảm không người dân nào bị đói cơm lạt muối, đứt bữa trong mùa dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh:Internet.
Thứ hai, phải có một thái độ ứng xử đúng mực, mềm dẻo, biết trọng nhân cách của mỗi người dân. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, các lực lượng tuyến đầu từ những y bác sĩ cho đến các lực lượng chốt chặn trong các khu cách ly, phong tỏa ai cũng căng mình làm việc, song, không phải vì thế mà chúng ta lại cậy quyền, cậy thế với người dân. Phải khéo vận động nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác làm theo.
Thứ ba, xử lý nghiêm những cán bộ cậy quyền, cậy thế để gây khó dễ với nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Cán bộ là do nhân dân ủy quyền để thay mặt dân thực hiện công việc chung, nếu cán bộ lợi dụng chức vụ để mưu lợi ích cho mình, không quan tâm đến nhân dân thì nên bãi nhiệm, miễn nhiệm; đồng thời, thay thế những cán bộ có đủ đức, đủ tài ra giúp dân thực hiện công việc chung. Dứt khoát không dung túng, bao che khuyết điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ tư, tăng cường công tác dân vận để vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong cuộc chiến chống giặc Covid-19, ý thức và sự tuân thủ nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản của Chính phủ là yếu tố tiên quyết hàng đầu bảo đảm thắng lợi. Tuy nhiên, vì ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân hoặc do chưa hiểu hết ý nghĩa của việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản đó nên vẫn còn có người dân vi phạm. Do vậy, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, vận động, kêu gọi người dân trong công tác phòng chống dịch để dân hiểu, dân thực hiện cho tốt, cho đúng. Đồng thời, cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng chống dịch bệnh gây làm mất niềm tin của nhân dân với chính quyền trong công tác phòng chống dịch.
Thứ năm, nói đi đôi với làm, phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hành động gương mẫu, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên góp phần làm nên thắng lợi cũng như tạo dựng thêm uy tín và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Do đó, “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm thực chất, chặt chẽ. Lấy hiệu quả làm thước đo, củng cố niềm tin của nhân dân bằng kết quả thực tế.
Tóm lại, để “được lòng dân” mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ giao phó vì hạnh phúc của người dân. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn lắm cam go, vì vậy, để được lòng dân mỗi chúng ta cần thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: “Phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Có như vậy, chúng ta sớm vượt qua đại dịch và cùng với nhân dân thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.