Các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là sự ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, đạt được kết quả còn lớn hơn nhiều (!?).
Luận điểm khác lại cho rằng, phải có sự chuyển hướng, “xoay trục” trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa và kết hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, với định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế của các quốc gia vì giữa chúng có sự mâu thuẫn, đối lập. Nếu “ghép” định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ghép “nước với lửa”, tạo thành cơ chế “đầu Ngô mình Sở”, “hai củ khoai bỏ trong một rọ”, chỉ mang đến những thất bại. Do đó, không thể tồn tại kinh tế thị trường ở một quốc gia xây dựng chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, từ đó cho rằng, Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Họ suy diễn rằng, dường như Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết của thị trường, mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn tuyên truyền bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm của chủ nghĩa xã hội (?!).
Những luận điệu bóp méo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh chụp màn hình VTV.
Vậy, đâu là sai lầm của những luận điểm cho rằng không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Thứ nhất, đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; cho rằng chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Thực chất, nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa, các phạm trù (giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ), quy luật (giá trị, cạnh tranh, cung - cầu) của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù, quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng để phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình.
Thứ hai, các luận điệu rất sai lầm khi cho rằng các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn đối lập nhau, loại trừ nhau.
Nền kinh tế thị trường thì phải vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường như: quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, quy luật cung - cầu,… trong đó quy luật giá trị là trung tâm. Trong tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới hiện nay, đều có hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường và có vai trò quản lý của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường hoạt động cho các quy luật kinh tế thị trường; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật kinh tế thị trường gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến an sinh xã hội. Song, không có phê phán nào về vai trò của nhà nước, cho rằng điều này đối lập với hoạt động của các quy luật của kinh tế thị trường. Vậy tại sao lại phản bác một cách vô lý phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam!?
Thứ ba, thực tiễn quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế như: đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống thị trường phát triển ngày càng đồng bộ…; vai trò của nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường,… Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gắn với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước,…
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế.
Nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước như vậy không những không mâu thuẫn, đối lập, không cản trở hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường, mà còn tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của các quy luật, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, có thể khẳng định, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không đối lập nhau, không loại trừ nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Những luận điểm cho rằng có sự chuyển hướng, “xoay trục” về phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là không có căn cứ và hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ:
Một là, luận điểm này đã sai lầm khi chỉ căn cứ vào việc phát triển kinh tế tư nhân và điều tiết kinh tế bằng các quy luật của thị trường trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội để quy chụp Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Việc xác định một nền kinh tế là “chủ nghĩa xã hội” hay “tư bản chủ nghĩa” không thể dựa vào tiêu chí về sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân hay sự điều tiết của thị trường mà còn phải dựa vào các tiêu chí khác như mục tiêu phát triển nền kinh tế; bản chất, nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế; quá trình hình thành, phát triển của nền kinh tế;... Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện, phát triển qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới.
Hai là, giữa nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có sự khác nhau căn bản và điểm khác biệt rõ nhất là trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người làm chủ là giới chủ tư bản, là giai cấp tư sản, còn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, người làm chủ là nhân dân lao động có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với cách nhìn toàn diện, hệ thống, khách quan, khoa học và thực tiễn 35 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế, có thể khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới các nguyên tắc, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là có sự chuyển hướng, “xoay trục” về kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa như các thế lực thù địch suy diễn, rêu rao.
Tóm lại, những luận điểm sai trái về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là quan điểm chủ quan, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, những luận điểm này đã dựa trên những phân tích, nhận xét phi khoa học, không logic, không hệ thống và không toàn diện. Về thực tiễn, những luận điểm này cũng hết sức phiến diện, quy chụp, phi thực tế khi không thấy rõ điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thừa nhận những thành quả trong phát triển kinh tế, trong quá trình đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian qua.