Câu hỏi: Chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam từ năm 1975 đến nay được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Dân tộc Việt Nam là một (ảnh nguồn internet)
Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn, nhân dân làm chủ, đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Nhân dân trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với quá trình tiến hành Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 , Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản về chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết toàn dân tộc, giữ ổn định xã hội, tránh các xung đột và chia rẽ nội bộ, hướng đến xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc. Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 07 tháng 01 năm 1975, Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước đã chỉ rõ: “ta đã phát động được phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiện hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc”[1]. Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 218-CT/TW, ngày 18/4/1975 của Ban Bí thư về chính sách đối với tù, hàng binh trong tình hình mới; Chỉ thị số 219-CT/TW, ngày 19/4/1975 của Ban Bí thư về chính sách đối với ngụy quân, ngụy quyền và về công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh ở những vùng mới giải phóng.
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, Thông báo Số 13-TB/TW, ngày 3 tháng 6 năm 1976 Một số ý kiến của Ban Bí thư về công tác dân tộc, chỉ rõ: “Ngày nay nước nhà đã thống nhất. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”[2]; Thông báo Số 12-TB/TW, ngày 22 tháng 4 năm 1976 Về Hội nghị tháng 4 năm 1976 của Bộ Chính trị bàn về miền Nam đã nhấn mạnh: “Đối với những viên chức đã làm việc trong chế độ Sài Gòn trước đây thì phải xem xét kỹ, có quyết định chính thức tuyển dụng từng người trước khi xếp lương”[3]…
Các văn bản của Đảng chỉ rõ: Kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kể cả những người từng phục vụ chế độ cũ, cùng tham gia xây dựng đất nước; Không trả thù, không kỳ thị những người thuộc phe đối lập trước đây; Tổ chức học tập cải tạo đối với một số đối tượng cụ thể để giúp họ hiểu và chấp nhận chế độ mới, từ đó hòa nhập cộng đồng; Khuyến khích trí thức, tôn giáo, dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy vai trò trong xã hội; Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những người dân không có nợ máu với nhân dân, kể cả tư sản dân tộc và địa chủ vừa và nhỏ.
Chính sách hòa hợp dân tộc đã đem lại những kết quả quan trọng: góp phần ổn định chính trị - xã hội ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng, tạo nền tảng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ hòa bình, độc lập và thống nhất sau đó; tạo điều kiện cho việc thống nhất đất nước trong hòa bình và trật tự; thu hút được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân vào bộ máy chính quyền mới. Chính sách hòa hợp dân tộc thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc gắn kết nhân dân, xóa bỏ hận thù để hướng tới tương lai.
Trong thời kỳ đổi mới, các văn kiện Đại hội Đảng đều khẳng định phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định rõ chính sách hòa hợp dân tộc: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau”.
Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới khẳng định rõ: Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” đã khẳng định: “Trên hành trình phát triển ấy, chính sách hòa hợp dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta hiểu rõ những nguyên nhân lịch sử dẫn đến chiến tranh – từ sự can thiệp, chia rẽ bên ngoài cho đến những âm mưu phá hoại tinh thần đoàn kết, gieo rắc thù hận vì mưu đồ chính trị. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng: mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước”. “Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt”. “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển”[4].
Như vậy, chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam được thực hiện nhất quán trong suốt 50 năm, đồng thời không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện rõ truyền thống khoan dung, hòa hiếu của người Việt, tạo thành cội nguồn sức mạnh để Việt Nam khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Hòa hợp dân tộc là ước vọng chính đáng của đại đa số người Việt Nam. Những ai còn cố chấp cản trở tiến trình hòa hợp dân tộc sẽ có tội với tương lai của chính con cháu mình./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 36, tr. 3.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 122.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 100.
[4] Tổng Bí thư Tô Lâm, Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, https://baochinhphu.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-102250427070220544.htm, truy cập ngày 27/4/2025.