Về mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, gồm:
(1) Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cả hệ thống chính trị và xã hội cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm xuyên suốt của Đảng về vai trò của KTTT là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển KTTT là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội của từng vùng, miền, địa phương. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất nông hộ gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong đàm phán thị trường vật tư và đầu ra nông sản; áp dụng khoa học công nghệ, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, ứng dụng công nghệ cao; liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp... thì KTTT mà nòng cốt là HTX nông nghiệp là phương cách hữu hiệu giúp hộ nông dân vượt qua thách thức, khó khăn để nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
(2) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Cần sớm cụ thể hóa những định hướng lớn nêu lên trong Nghị quyết 20 thành chính sách, luật pháp của Nhà nước, trước hết là sửa đổi Luật HTX năm 2012 nhằm tháo gỡ những điểm nghẹn, tạo khung khổ pháp luật cho tổ chức KTTT cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích các thành viên phát triển tổ chức KTTT; thu hút các cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân tham gia KTTT. Đồng thời, do vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong phát triển KTTT, nên cần xem xét xây dựng chỉ số phát triển KTTT cấp tỉnh phản ánh môi trường kinh doanh để thúc đẩy chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn và dành thêm nguồn lực hỗ trợ cho KTTT, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
(3) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nhà nước sẽ có một chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ cho HTX phát triển; trong đó, có những chính sách về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, sẽ có nhiều chính sách mới ưu đãi, hỗ trợ cho HTX trong nông nghiệp, chẳng hạn như: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các mô hình sản xuất bền vững (nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh với khí hậu, chuyển đổi số…); hỗ trợ xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn và tư vấn nhằm trang bị, nâng cao kiến thức cho cán bộ khuyến nông về HTX, về thị trường, chuỗi giá trị...
(4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.Theo tinh thần Nghị quyết 20, KTTT phát triển theo xu hướng hiện nay là xanh, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; quan tâm cả số lượng và chất lượng, đảm bảo hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm... Việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của KTTT phải gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Đồng thời, đánh giá hiệu quả KTTT phải toàn diện không đơn thuần chỉ về kinh tế, mà cả về chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và hiệu quả hoạt động của tổ chức và các thành viên.
(5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Nghị quyết 20 đã kế thừa những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn của Nghị quyết 13-NQ/TW; đồng thời, có rất nhiều điểm mới và đột phá; nếu được triển khai thực hiện bài bản, kịp thời, kỳ vọng sẽ tạo đột phá cả về nhận thức và hành động quyết liệt của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy KTTT phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.