Đó là chia sẻ của Tiến sĩ (TS) Lê Thương Huyền, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi trao đổi với PV Báo Điện tử TNVN.
Giải quyết vấn đề về nhân lực, hạ tầng công nghệ và cơ chế phân cấp, phân quyền
PV: Tiến sĩ có nhận xét gì sau 2 tuần chúng ta triển khai chính quyền địa phương 2 cấp?
Tiến sĩ Lê Thương Huyền: Sau 2 tuần triển khai, các địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bước đầu ghi nhận những tín hiệu tương đối khả quan. Tuy còn những thách thức về phân cấp, phân quyền và hoàn thiện hạ tầng, nhưng sự ổn định trong vận hành và không có gián đoạn lớn nào là dấu hiệu tích cực. Với khối lượng công việc rất lớn, việc phát sinh những vướng mắc là điều khó tránh khỏi.
Thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại một số xã còn bất cập, tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau: con người và cơ sở vật chất; hệ thống thông tin và phần mềm nghiệp vụ; sự tham gia của người dân và yếu tố địa lý; cơ chế phối hợp liên ngành.
Một trong những hạn chế rõ rệt nhất là bài toán về nhân lực. Nguồn nhân lực chuyên sâu còn hạn chế, chưa thể bố trí đủ cán bộ chuyên môn tại cấp xã. Theo Nghị định 150/2025/NĐ-CP, hệ thống phòng chuyên môn cấp xã/phường có 3 phòng, gồm văn phòng, văn hóa - xã hội, kinh tế hoặc kinh tế - hạ tầng - đô thị, mỗi phòng phụ trách từ 5 chuyên ngành, trong khi biên chế còn hạn chế.
Hạ tầng công nghệ cũng là điểm nghẽn. Hệ thống hạ tầng dùng chung của các trung tâm phục vụ hành chính công vào lúc cao điểm xảy ra chậm nghẽn, phải thực hiện thủ công. Ở vùng sâu, vùng xa, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, còn chưa quen với phương thức giao dịch hành chính mới, hạn chế trong việc sử dụng công nghệ.
Đây là một cuộc cách mạng hành chính rất lớn, nên những hạn chế này hoàn toàn không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, những vấn đề về nhân lực, hạ tầng công nghệ và cơ chế phân cấp, phân quyền cần được giải quyết khẩn trương để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả dài hạn của mô hình. Điều quan trọng là chúng ta cần đối mặt với những hạn chế này và có các giải pháp tích cực.

PV: Trong 2 tuần đầu triển khai tại một số địa phương đôi khi xảy ra tình trạng cán bộ, công chức còn lúng túng với mô hình quản lý mới, lúng túng trong thao tác cập nhật thông tin, dữ liệu dẫn đến việc chậm tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người dân. TS có đề xuất giải pháp gì trong việc đào tạo cán bộ cấp xã, phường để họ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu công việc mới?
Tiến sĩ Lê Thương Huyền: Về giải pháp tức thời (3 tháng): Chúng ta cần tổ chức các chương trình đào tạo tăng tốc (Fast track). Cụ thể: Tổ chức các khóa đào tạo cấp tốc 3 - 5 ngày tập trung vào kỹ năng cốt lõi: Thao tác hệ thống thông tin, quy trình xử lý hồ sơ mới và hiểu biết về thẩm quyền được phân cấp. Có thể cử các cán bộ có kinh nghiệm từ cấp tỉnh về hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở 1 - 2 tháng đầu sau sáp nhập. Các tỉnh nên thiết lập đường dây nóng 24/7 để cán bộ cơ sở có thể tham vấn ngay khi gặp khó khăn hoặc phát triển cẩm nang số hóa và trợ lý ảo cho cán bộ, công chức cấp xã dưới dạng ứng dụng của điện thoại để có thể tra cứu chi tiết, kịp thời.
Giải pháp trung và dài hạn (3 - 12 tháng): Xây dựng chương trình đào tạo theo vị trí việc làm. Thiết kế các module đào tạo riêng biệt cho từng phòng chuyên môn. Chính phủ có thể xây dựng nền tảng học trực tuyến với video hướng dẫn, cho phép cán bộ tự học theo tốc độ riêng, phù hợp với điều kiện làm việc tại cơ sở. Có thể xây dựng những phần mềm mô phỏng các tình huống xử lý hồ sơ thường gặp, tạo môi trường cho phép cán bộ thực hành không giới hạn mà không ảnh hưởng đến công việc thực tế. Các địa phương chung tay thiết lập mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm. Cần xây dựng cơ chế cơ chế "phòng lỗi" và học từ sai lầm, tạo môi trường cho phép cán bộ được phép mắc lỗi trong quá trình học hỏi.
Bên cạnh đó cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ cấp xã theo chuẩn quốc tế để có thể đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực cũng như làm căn cứ để điều chỉnh kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức. Đương nhiên, không thể không nói đến các giải pháp về cơ chế chính sách để đãi ngộ, động viên. Nên thiết lập chế độ phụ cấp đặc biệt cho cán bộ trong giai đoạn chuyển đổi và xây dựng chính sách ưu tiên cho những cán bộ thích ứng nhanh với mô hình mới.
Quy chế giám sát chuyên biệt
PV: Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nhiều xã có cách làm sáng tạo là triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc “chính quyền lưu động” về tận thôn, bản phục vụ người dân. Về lâu dài đây có phải là giải pháp hay không, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Lê Thương Huyền: Trước mắt đó là một sáng kiến rất thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Mô hình này giải quyết khá tốt bài toán khoảng cách địa lý, tạo sự gần gũi, thân thiện với người dân, chi phí triển khai không quá cao và đáp ứng nhu cầu tức thời của người dân vùng sâu, vùng xa.

Nên thiết lập chế độ phụ cấp đặc biệt cho cán bộ trong giai đoạn chuyển đổi và xây dựng chính sách ưu tiên cho những cán bộ thích ứng nhanh với mô hình mới.
Dưới góc độ quản trị học, tôi cho rằng đây là giải pháp cầu nối tốt trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng không nên xem đây là giải pháp dài hạn. Mô hình này cũng có thể nhìn thấy một số điểm hạn chế như: khó đảm bảo tính nhất quán trong chất lượng dịch vụ; thiếu tính bền vững về tài chính và nhân lực; không thể bao phủ thường xuyên tất cả thôn, bản. Và việc thực hiện chính quyền lưu động sẽ khó có thể thúc đẩy năng lực tự giải quyết của người dân.
Về chiến lược dài hạn (2 - 5 năm), cần đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông tại vùng sâu vùng xa; đào tạo người dân sử dụng dịch vụ số, thiết lập các điểm truy cập internet cộng đồng tại trung tâm thôn bản.
Với khoảng thời gian 5 - 10 năm, chúng ta cần chuyển sang chính quyền số một cách toàn diện. Người dân hoàn toàn có thể thực hiện qua internet, chính quyền lưu động chỉ còn vai trò hỗ trợ cho những trường hợp rất đặc biệt.
Tóm lại, mô hình chính quyền lưu động là giải pháp tốt cho hiện tại, nhưng cần có lộ trình rõ ràng để chuyển đổi sang mô hình bền vững hơn trong tương lai.
PV: Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, trong khi cơ chế giám sát chưa hoàn thiện. Theo TS, cần giải pháp gì để tránh tình trạng cán bộ xã lạm quyền gây khó dễ cho dân?
Tiến sĩ Lê Thương Huyền: Muốn giám sát có hiệu quả thực sự, quan trọng nhất là phải tạo được một "hệ sinh thái giám sát" đa chiều, trong đó mọi quyền lực đều được kiểm soát và cân bằng, đảm bảo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Chúng ta vẫn triển khai các biện pháp giám sát truyền thống, đó là cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã, phát huy tối đa chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra của cấp tỉnh, thực hiện thanh tra đột xuất, không báo trước ít nhất 1 lần/năm; giám sát qua báo chí và các tổ chức xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát mới thông qua hệ thống công nghệ như: đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử ở cấp xã, sử dụng công nghệ để tự động hóa các thủ tục hành chính, giảm sự can thiệp trực tiếp của cán bộ, từ đó hạn chế cơ hội lạm quyền; tạo kênh hotline riêng để dân tố cáo trực tiếp lên cấp tỉnh; thiết lập ứng dụng di động cho phép dân đánh giá dịch vụ công ngay tại chỗ.
Cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ cần phải được phát huy mạnh mẽ. Cần thường xuyên tổ chức họp dân để đánh giá hoạt động cán bộ xã; tăng cường năng lực cho Ban Thanh tra nhân dân với đào tạo chuyên sâu về pháp luật; Phân tách rõ ràng thẩm quyền tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ…
Trong công tác cán bộ, thực hiện luân phiên nhiệm vụ để tránh độc quyền. Và một nguyên tắc không thể thiếu đó chính là xây dựng cơ chế xử lý nghiêm minh, có tính răn đe cao như: công khai kết quả xử lý vi phạm trên website, báo cáo nhân dân; cam kết xử lý khiếu nại về cán bộ xã trong vòng thời gian khoảng 15 ngày, và người đứng đầu chịu trách nhiệm liên đới khi có vi phạm nghiêm trọng.
Để những giải pháp trên có thể thực hiện một cách hiệu quả, Nhà nước cần ban hành Quy chế giám sát chuyên biệt cho mô hình 2 cấp. Cần phải thể chế hóa phạm vi, thẩm quyền, phương thức giám sát đối với từng chủ thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc giám sát chồng chéo. Đồng thời, thiết lập chế độ khen thưởng, động viên cán bộ phục vụ tốt, tăng phụ cấp cho cán bộ xã để giảm động cơ tiêu cực.
Các giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, kết hợp giữa tăng cường giám sát, nâng cao năng lực cán bộ, minh bạch hóa thông tin và trao quyền cho người dân. Trong đó, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả lâu dài.